Võng La với nghề đậu phụ truyền thống

13/11/2020

Không ai biết chính xác nghề làm đậu phụ ở Võng La có từ bao giờ, nhưng hàng trăm năm nay người dân Võng La vẫn sống chủ yếu  nhờ nghề  này. Đậu phụ Võng La đã và đang ngày càng nổi tiếng chốn đô thành…   

Là một trong 23 xã của Đông Anh (Hà Nội), Võng La được biết đến  không chỉ nhờ thôn Võng La có nghề làm đậu phụ truyền thống mà đây chính là nơi có chi bộ Đảng đầu tiên của huyện. Nơi đây đã từng nuôi giấu các đồng chí cán bộ cách mạng cấp cao của Đảng và Nhà nước thời kỳ bí mật như các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp…, từng là cơ sở bị thực dân Pháp khủng bố trắng. Nhiều người con Võng La đã anh dũng ngã xuống trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Ngày nay, phát huy truyền thống cách mạng của một xã anh hùng, Võng La đã và đang vươn lên phát triển kinh tế bằng nghề làm đậu phụ cổ truyền. Hiện thôn Võng La có 364 hộ dân, trong đó 3 / 4 số hộ chuyên nghề làm đậu. Bao sự nhọc nhằn, lam lũ của người dân để nghề làm đậu thực sự tồn tại và phát triển đã được đền đáp bằng đời sống ấm no. Ông Phan Hữu Thiết, Chủ nhiệm HTX Võng La, cho biết, số hộ nghèo trong xã chiếm từ 3-5%, hộ giàu từ 7-10%; bình quân thu nhập đầu người đạt hơn 300 nghìn đồng/tháng. Những hộ giàu có thu nhập trung bình 15-17 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, nghề làm đậu của xã đã phải trải qua quá trình đầy thăng trầm, và chỉ thực sự phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây. Bởi lẽ xưa kia, khi chưa có cây cầu Thăng Long, việc đi lại vào nội thành gặp nhiều khó khăn, buôn bán bị cản trở. Ruộng trồng hoa màu ít nên người dân gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu. Điều này đã làm không ít người đã nản lòng, và tìm nghề khác sinh nhai.

Khi cây cầu Thăng Long được hoàn thành, với tiềm năng sẵn có, dân Võng La ý thức được rằng “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” nên đã bắt đầu khôiphục, đầu tư phát triển nghề truyền thống của địa phương. Hiện tại, cả thôn có khoảng 48 ha đất tự nhiên, trong đó chỉ có 30 ha đất canh tác hai vụ lúa, cònlại là hồ ao. Khó khăn hơn, trong 30 ha không thể xen canh gối vụ trên, chỉ có khoảng 4 ha đất trồng màu chuyên trồng đỗ tương (nguyên liệu làm đậu).Số đất này được chia đều cho 1500 khẩu của 3 đội sản xuất.

Trước khó khăn đó, dân Võng La không chịu thua. Họ quyết tâm giữ nghề truyền thống của mình bằng cách mua đỗ từ các tỉnh lân cận hoặc đỗ miền Nam, Trung Quốc về để chế biến. Hiện có 3 cơ sở chuyên bán đỗ tương cho các hộ làm đậu trong làng. Cụ Vũ Văn Tạo, 70 tuổi ở Đội 1 thôn Võng La, một nông dân có trên 50 năm kinh nghiệm trong nghề cho chúng tôi biết: “Xưa kia, thôn Võng La này có tên là làng “Chài” hay còn gọi là “Phao Võng Phường”, có nghĩa là phường chài lưới bên sông. Tương truyền vào thời các vua Hùng, 3 vị thánh có công giúp thần Tản Viên dẹp nạn hồng thuỷ đã đi qua thôn này, và dạy dân nghề làm đậu. Từ đó, dân làng lập đền thờ 3 vị trong làng. Trải qua những năm tháng chiến tranh, ngôi đền ấy không còn nữa nhưng mọi người vẫn ghi nhớ đến công lao của 3 ông tổ nghề. Từ xưa đậu Võng La đã nổi tiếng, không thua kém đậu Mơ Mai Động đất Hà thành, đậu làng Bá huyện Đan Phượng, Hà Tây”.

Nói về nghề làm đậu, cụ Tạo cho biết thêm, để làm ra một bìa đậu ngon là cả một quá trình vất vả cùng với những bí quyết gia truyền chỉ người trong nghề mới biết. Đầu tiên là phơi khô giòn hạt đỗ, loại bỏ hạt lép, hạt thối, tức là chọn những hạt đều nhau, có vỏ mỏng vàng, nhẵn bóng, sau đó ngâm đỗ vào nước giếng khơi đến độ vừa phải (mùa hè ngâm khoảng 4 tiếng, mùa đông khoảng 6 tiếng). Tiếp tục đem xay, người thợ sẽ được thứ nước trắng như sữa, đổ nước này vào túi lọc, lấy bã ra, nước tinh còn lại đem đun sôi, múc ra nồi om, chế thêm nước chua rồi khuấy đều. Cũng theo cụ Tạo, khâu chế nước chua mang ý nghĩa quan trọng nhất vì nó quyết định phần lớn chất lượng đậu. Tuỳ thời tiết nóng hay lạnh để pha nước chua, nếu nóng cần cho thêm nước lã theo tỷ lệ 3/2. Người giỏi nghề là người nhìn màu nước chua có thể biết đậu sẽ ra sao. Thường thì màu vàng nhạt là ngon, nước quá trong sẽ hao và cứng đậu, ngược lại, lờ lờ nước hến thì nhão đậu. Sau khâu pha chế này, sữa đậu sánh lại thì cho vào khuôn ép, tạo thành các bìa đậu. Vài bí quyết khác để có bìa đậu ngon cũng được cụ Tạo nhắc tới, đó là khuôn ép đậu phải làm bằng gỗ dổi, một thứ gỗ chịu nước rất tốt, khiến đậu luôn ráo và dẻo; vải bọc phải là thứ vải phin Nam Định, đỗ phải tươi, được bóc vỏ trước khi ngâm…

Về Võng La những ngày nay, chúng ta sẽ được tận mắt nhìn thấy không khí khẩn trương, sôi động của một làng nghề đang vào “vụ”. Lúc nào cũng có tiếng xay đậu thủ công hoặc xay, vắt bằng máy do vài hộ trong làng đã đầu tư từ 1,5-2 triệu đồng mua máy xay, giảm bớt sức một lao động trong nhà. Ban đêm, ngoài những âm thanh ầm ầm của máy, tiếng bước chân đi lại rộn rịp, ánh đèn điện luôn rực sáng khắp làng, báo hiệu một tương lai tươi sáng. Dân Võng La đón “bình minh” từ nửa đêm dưới ánh điện và cảm nhận vị mặn của những giọt mồ hôi đổ xuống cho những mẻ đậu nối nhau ra đời. Vất vả, thức khuya dậy sớm là vậy, song lời lãi chẳng được là bao. Bình quân một kilôgam đỗ, trừ mọi chi phí, chỉ lãi khoảng 3 nghìn đồng trong khi hộ nào làm nhiều nhất cũng chỉ hết 30 kg đỗ/ ngày…

Vậy tại sao nghề này vẫn tồn tại và phát triển ? Anh Đào Đức Dự, một nông dân có 20 năm tuổi nghề trong làng, tươi cười cho biết: “Tại sao ư ? Các anh cứ nhìn đàn lợn 25 con của tôi sẽ rõ ! Chính nhờ làm đậu phụ mà nông dân chúng tôi luôn có bã nuôi lợn, vậy sao chúng tôi lại không làm. Hơn nữa, đó là nghề cha ông để lại, bây giờ mà bỏ…tiếc lắm”. Câu nói của anh Dự càng khẳng định hướng đi đúng đắn của Võng La hiện nay: Kết hợp chăn nuôi lợn với nghề làm đậu truyền thống. Hiện cả thôn có tổng số đầu lợn khoảng 1500 con. Riêng thu nhập từ lợn, mỗi hộ đạt khoảng từ 10-12 triệu/năm. Đây là con số không nhỏ đối với những người làm ruộng ở nông thôn.

Có người cho rằng : “Đậu phụ là một món ăn rất bình thường nhưng đó lại là nguồn sống chính của người dân Võng La”. Quả thực, giờ đây về thăm làng Chài xưa, chúng tôi thấy san sát những ngôi nhà cao tầng mọc lên thay thế những nhà tranh xưa kia. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Quanh chúng tôi luôn âm vang những tiếng cười. Mùi thơm của đậu dìu dịu lẫn mùi mít chín thoang thoảng, lan toả trong tiếng ầm ầm của máy xay. Tất cả những hương vị, âm thanh đó đang từng ngày, từng giờ mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân nơi đây.

Theo báo Hà Nội mới